Có khá nhiều lý do để các loài động vật này "trốn mình" trong hang và ngủ say sưa.
Nói một cách khoa học thì một giấc ngủ tốt là điều rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Có rất nhiều loài động vật dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, song điều đó không hẳn là chúng lười biếng, bởi khi thức dậy chúng sẽ hoạt động rất tích cực.
Cũng giống như con người, giấc ngủ đó là thời gian cần thiết để chúng nghỉ ngơi và bù lại phần năng lượng đã tiêu hao. Chúng ta hãy cùng xem danh sách những loài động vật nào mê ngủ nhất nhé!
1. Koala
Koala xứng đáng đứng đầu danh sách những loài động vật mê ngủ nhất thế giới, bởi chúng dành tới 22 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để... ngủ, và khi tỉnh dậy chúng dành khoảng thời gian còn lại để ăn.
Được tìm thấy duy nhất tại Australia, loài động vật này dành hầu hết thời gian trong cuộc đời mình trên các cây bạch đàn, và chúng dường như rất ít khi di chuyển khỏi “căn nhà” này của mình.
2.Thú có mai lớn (Giant Armadillo)
Thú có mai lớn dành thời gian để ngủ khoảng 18 - 19 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chúng chỉ thức dậy vào ban đêm và ngủ trong suốt thời gian còn lại của ngày. Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra nguyên nhân gì khiến cho loài động vật này ngủ nhiều đến thế.
Một giả thiết được đặt ra là loài động vật này sống đơn độc, điều duy nhất chúng có thể làm là kiếm thật nhiều thức ăn để tích trữ trong hang và ngủ càng nhiều càng tốt.
3. Khỉ cú
Khỉ cú (owl monkey) được xem là một trong những loài động vật thật sự sống về đêm. Loài khỉ này sống chủ yếu tại những khu rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ. Chúng dành khoảng 17 giờ một ngày để... ngủ, và những đôi mắt to màu nâu giúp chúng có thể dễ dàng tìm kiếm thức ăn vào ban đêm.
4. Một số loài động vật thuộc họ mèo
Những loài động vật thuộc họ mèo như mèo nhà, báo, sư tử dành rất nhiều thời gian để “ngủ nướng”. Chúng có thể ngủ từ 12 – 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và điều này có nghĩa là gần 2/3 cuộc đời của các loài động vật này luôn chìm trong trạng thái mơ màng.
5. Sóc
Thức ăn chủ yếu của sóc là các chất có giàu carbohydrate, protein và chất béo, và đây có thể là lý do khiến loài động vật này ngủ khoảng 14 giờ một ngày.
Golden Hamsters và chồn sương cũng được xếp chung cùng một vị trí với loài sóc trong danh sách “những loài động vật mê ngủ” này. Golden Hamster ngủ vùi trong hang để tránh kẻ săn mồi vào ban ngày và tìm thức ăn vào ban đêm. Mặc dù các loài động vật này ngủ rất nhiều, song chúng lại hoạt động rất tích cực sau khi tỉnh dậy.
6. Giấc ngủ đông kéo dài của loài gấu
Chúng ta đều biết rằng, mùa đông là thời điểm lạnh lẽo và khác nghiệt nhất trong năm đối với các loài động vật để sống và tồn tại. Các loài động vật có vú như gấu muốn sống sót qua mùa đông lạnh giá thì phải tìm cách giữ ấm cơ thể của mình.
Bộ lông dày đã giúp chúng một phần nào, nhưng loài gấu vẫn cần một nguồn năng lượng để duy trì nhiệt độ cơ thể. Vấn đề thực sự ở đây là vào mùa đông thì nguồn thức ăn rất khan hiếm, do đó, gấu và các loài động vật ngủ đông khác cũng có ít cơ hội hơn để có được đủ thức ăn cho việc giữ ấm và đi lại.
Gấu đã tiết kiệm năng lượng bằng cách đi ngủ. Thậm chí ngay cả khi chúng không hoạt động, loài gấu cũng phải dự trữ năng lượng để tồn tại đến mùa xuân. Gấu dự trữ thức ăn bằng hình thức tích mỡ. Trước khi mùa đông tới, các con gấu đều béo lên do sự tích trữ thức ăn trong nhiều tháng liền, và do đó trọng lượng của chúng có thể tăng hơn 18kg một tuần.
Cơ thể của gấu cũng có một vài thay đổi ngay khi nó chìm vào giấc ngủ đông, nhịp tim sẽ giảm từ 55 nhịp/ phút xuống còn 10 nhịp/ phút. Nhiệt độ cơ thể cũng giảm từ 5 - 9 độ so với mức bình thường.
Trong thời kỳ ngủ đông, loài sẽ tìm một cái hang hoặc một cái hốc cây để ngủ và quên đi cái lạnh giá đồng thời chúng sử dụng nguồn năng lượng dự trữ để sống. Vì thế, chúng có thể giảm từ 15 đến 40% trọng lượng cơ thể trong quá trình ngủ đông. Đến mùa xuân, chúng sẽ thức giấc, cảm thấy đói và đi ra ngoài để tìm một bữa ăn đầu năm.
Theo Kênh 14
0 nhận xét:
Đăng nhận xét