Việc "Nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm trồng
phục hồi cây ngập mặn" tại Tân Mỹ (huyện Phú Vang) và vùng phía Tây đầm
Lập An (huyện Phú Lộc) đã được Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh
Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện từ tháng 1/2010 đến nay.
Trồng rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại.- Ảnh: báo Bình Định
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, trên diện tích trồng thử nghiệm 0,5 ha cây ngập mặn tập trung tại đầm Lập An và trồng 500 cây ngập mặn phân tán tại khu vực Tân Mỹ với các loài như đước vòi, vẹt khang và mắm quăn đã cho kết quả khả quan về việc xác định trồng các loài cây này thích hợp với việc phục hồi thảm thực vật ngập mặn ở đây. Riêng đối với diện tích có các ao nuôi thủy sản, việc trồng cây ngập mặn được thực hiện bằng 2 loài cây chủ yếu là đước vòi và vẹt khang để kết hợp xây dựng mô hình ao nuôi sinh thái.
Đánh giá kết quả sau hơn 2 năm thực hiện trên diện tích 4.000m2 cho thấy: Tỷ lệ cây sống và phát triển đạt 75%. Bên cạnh sự phát triển của cây ngập mặn, khu vực này được bồi đắp phù sa nhiều hơn 10cm so với những khu vực xung quanh không trồng cây ngập mặn. 100% người dân trong vùng mong muốn diện tích cây ngập mặn được mở rộng hơn; trong đó, Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đứng ra lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nên hiệu ứng tích cực ở Hương Phong.
Thừa Thiên - Huế có vùng đất ngập mặn ven phá Tam Giang - Cầu Hai rộng hơn 22.000 ha, với nhiều cửa sông, cửa biển. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tài nguyên (CORENARM, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đã xây dựng thành công một số mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả và có tính bền vững tại Hương Phong, thuộc vùng ven đầm phá, ven biển thị xã Hương Trà. Các mô hình đã được xây dựng gồm: mô hình vườn ươm cây ngập mặn tại cộng đồng, mô hình phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn, mô hình phục tráng 2 giống lúa chịu mặn, mô hình nuôi xen ghép tôm, cua và cá, mô hình lúa cá. Các mô hình này bước đầu thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, chính quyền địa phương trong việc phát triển sinh kế và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho người dân địa phương.
Trước đó, nhóm chuyên gia trường Đại học Tohoku-Gakuin (Nhật Bản) cũng đã đến Huế, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Biển, Đảo và Đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế tìm hiểu về dự án xây dựng khu bảo tồn rừng ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng khu vực Rú Chá - Cồn Tè, thuộc xã Hương Phong.
Tổ chức WWF tại Việt Nam cũng đã tài trợ dự án viện trợ không hoàn lại "Tăng cường rừng ngập mặn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế", với tổng mức đầu tư hơn 700 triệu đồng, được thực hiện từ nay đến tháng 7/2014. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trồng cây ngập mặn và chuyển giao kỹ năng quản lý rừng bền vững cho người dân địa phương. Một số hạng mục chính của dự án đã được triển khai như: các hoạt động truyền thông, tập huấn cho nông dân về sản xuất giống cây, trồng, chăm sóc và quản lý rừng ngập mặn; xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, quản lý rừng ngập mặn; tổ chức trồng 23.000 cây ngập mặn; xây dựng 1 vườm ươm cây giống và thiết lập công cụ theo dõi, quản lý theo dõi bằng internet.
Quốc Việt (TTXVN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét