Từ xa xưa rắn dường như được tôn thờ như sinh vật có cuộc sống
đời đời, bởi vì nhờ vào khả năng lột da cũ để mọc da mới, được xem là
quá trình của sự chết và tái sinh. Đồng thời hình rắn chuyển động âm –
dương liên tưởng đến khái niệm sự sống vĩnh cửu.
Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian rắn sống trong các khu vực ẩm ướt, nếu rồng kiểm soát nước trời, nước biển thì rắn kiểm soát nước ở trần gian trong sông, suối, kênh, rach, ao và hồ. Dù rắn có loài có nọc độc, nhưng lại là thiên địch của các loài gặm nhấm phá hoại cây trồng, đặc biêt là lúa, ngô, khoai, sắn, do sống trong văn hóa nông nghiệp lúa nước nên từ xưa, người nông dân nhiều nước châu Á, trong đó có nước ta đã thờ rắn như thần nước hoặc thần nông.
Trong âm lịch Việt Nam rắn là linh vật thuộc chi thứ 6 trong 12 cung hoàng đạo. Người dân Việt Nam, Trung Hoa xưa và ngày nay vẫn còn tồn tại, cách tính thời gian (giờ, ngày, tháng, năm) bằng cách đếm 12 linh vật: tý (chuột), sửu (trâu, bò), dần (hổ), mão (mèo - Trung Hoa âm lịch là Thỏ), thìn (rồng), tỵ (rắn), ngọ (ngựa), mùi (dê), thân (khỉ), dậu (gà), tuất (chó) và hợi (heo).
Trái đất chuyển động dọc theo vành đai của chòm sao hoàng đạo (cũng thể hiện hình rắn chuyển động ), lịch dương căn cứ khá nhiều vào chuyển động hình rắn quay quanh đường cycloid thuộc cung hoàng đạo để tính tháng, các điểm sự kiện thiên thể quan trọng như nhật thực, nguyệt thực cũng được tính dọc theo đường này, tại hai điểm thuộc chòm sao Thần nông.
Rắn được xem là sự tái sinh, bắt nguồn từ ý tưởng không bao giờ kết thúc trong vòng sinh tử - luân hồi của Phật giáo. Xa xưa, khi khoa học chưa phát triển, con người sống phụ thuộc vào thiên nhiên, các hiện tượng tự nhiên như sấm, chớp, mưa, bão, các con vật như hổ, báo, voi…và trong đó có cả rắn, người xưa không dám “bất kính”gọi bằng con, mà “ kính trọng” thưa “ ngài”, không những vậy, họ còn mê tín đến mức xem rắn là linh hồn của người chết, nên sợ hãi và thờ lạy.
Trong xã hội phong kiến ở một số nước phương Đông, nếu Long, Ly, Lân, Qui, Phượng là biểu tượng của vương tôn, hoàng tộc thì các con vật: hổ, báo, voi thậm chí cả rắn là biểu tượng cho các vị quan trong triều, tầng lớp quí tộc. Như ở Nhật Bản chẳng hạn, rắn là đại diện cho Kamon, những người thuộc dòng dõi quí tộc hoặc võ tướng rất danh giá.
Mũ của các võ tướng, quý tộc Kamon đội thường to tròn hơn đầu và có đuôi cong lên như hình rắn biểu trưng cho khát khao, ý chí của thế hệ cha ông và mong cầu phúc, lộc, tài, trí và đức cho con, cháu. Đuôi rắn trên mũ Kamon có thể thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ được xem như bùa hộ mạng tránh tai họa, đặc biệt hỏa hoạn, binh đao, đồng thời cũng để nêu cao tinh thần can cường vượt mọi thử thách của Kamon.
Cách đây khoảng hơn 3000 người Trung Hoa đã tạo ra nhiều chữ tượng hình để chỉ rắn, ban đầu chữ này rất rối rắm, phức tạp vì có rất nhiều loài rắn, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển văn hóa, “biết” và “hiểu” được các đặc tính chung của rắn, người Trung Hoa đã “đơn giản hóa” được chữ “rắn” như ngày nay. Có một điều rất thú vị là, chữ rắn được bắt nguồn từ hai chữ: “ con rắn” kết hợp với “ con sâu”, mang ý rắn ăn, tiêu diệt các loại sâu, bọ gây hại mùa màng, kể cả chuột cũng bị xem là một loại sâu bọ ( từ sâu bọ là để chỉ chung các con vật phá cây trồng, đặc biệt ngũ cốc ) nên có rắn thì được mùa lớn.
Nhưng còn một điều thú vị hơn nữa, chữ Thìn có nguồn từ việc người Trung Hoa thêm “vương miện” lên đầu (chữ) rắn (tỵ) để hình thành ra chữ Thìn tức vua các loài rắn. Phần dưới của chữ Thìn diễn ý rộng lớn hoặc tia chớp, sấm sét, hàm ý rồng có khả năng hô gió, gọi mưa từ trên trời trút xuống mặt đất, sông, suối để cho các địa thần là những thần rắn “cai quản” và “ban phát” cho con người sinh hoạt, tưới tiêu trong nông nghiệp. Do đó cả rồng và rắn đều là những liên tưởng đến sức mạnh thần linh và lợi ích.
Nguồn: Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét